Tôn trọng quyền đến trường của trẻ
Lượt xem:
Đi học cũng đồng nghĩa việc các trường phải tăng cường biện pháp chống dịch, nhưng không vì thế mà đặt thêm điều kiện (ngoài quy định chung) hay tạo áp lực cho học trò, phụ huynh và giáo viên bởi dịch bệnh đã khiến trẻ chịu quá nhiều thiệt thòi.
Cần yêu thương hơn đòi hỏi
Là Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lê Thánh Tôn (Khánh Hoà), thầy Lê Tuấn Tứ – đại biểu Quốc hội khoá XIV – cho biết: Hơn một tháng nay, học sinh lớp 12 của trường trở lại học trực tiếp. Từ ngày 1/12, nhà trường mở cửa đón học sinh các khối lớp còn lại để thầy – trò dạy – học trực tiếp. Thời điểm học sinh trở lại trường học tập trung, tỷ lệ các em được tiêm chủng ngừa Covid-19 rất thấp.
“Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi chọn lọc học sinh đến trường. Nghĩa là, khi đã có thông báo thì 100% các em đều đủ điều kiện và có quyền được học tập trực tiếp trên lớp” – thầy Lê Tuấn Tứ khẳng định và cho biết: Khi các em đến trường, việc của thầy, cô giáo và nhà trường là chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho thầy – trò; đồng thời sẵn sàng thích ứng, chuyển trạng thái học tập khi cần.
Trao đổi về thông báo của Trường THCS Mỹ Hạnh (Long An) về việc học sinh chưa tiêm vắc-xin không được đến trường, thầy Tứ cho rằng, thông báo này bất hợp lý, thậm chí không đặt vị trí của mình là phụ huynh, học sinh, không coi các em là trung tâm của giáo dục. “Làm quản lý cơ sở giáo dục nên tôi hiểu những lo lắng của ban giám hiệu, nhưng tôi không đồng tình với cách làm này. Có biết bao trường tiểu học trên cả nước, học sinh chưa tiêm chủng nhưng các địa phương vẫn mở cửa đón các các em trở lại trường để học tập”, thầy Tứ bày tỏ…
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Quốc hội khoá XV Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định: “Phải bảo đảm quyền được đến trường của trẻ em. Đã học trực tiếp thì cả lớp đều được áp dụng chung hình thức này” – đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, học trực tuyến dài ngày đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các em. Vì thế, chúng ta không nên tạo thêm áp lực cho các em và phụ huynh. Thay vào đó, hãy là người đồng hành, luôn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ để các em vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc quan trọng là, mọi trẻ em phải được bảo đảm quyền đi học, GS.TSKH Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Học tập là quyền tối thượng của trẻ em. Lẽ ra, trước khi phát hành thông báo, nhà trường cần dựa vào thực tế và căn cứ vào các quy định của Nhà nước xem có quy định: Trường hợp nào thì học sinh được đến và trường hợp nào thì không được đến.
Chưa tiêm vắc-xin vẫn được đến trường
Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Long An, tính đến ngày 2/12, toàn tỉnh có 45.397/47.097 học sinh THPT đã tiêm mũi 1 vắc-xin ngừa Covid-19; 63.323/282.364 học sinh THCS đã tiêm mũi 1 vắc-xin ngừa Covid-19. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, UBND tỉnh chỉ đạo sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp UBND các địa phương và sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chuẩn bị điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để đón học sinh trở lại học trực tiếp tại trường.
Chia sẻ về thông báo của trường học trên địa bàn tỉnh về nội dung “Nếu sau này vào học trực tiếp mà chưa tiêm thì không được vào học”, theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Đức Hòa (Long An), thông báo của Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hạnh là không đúng và đã bị đề nghị thu hồi. Do sơ suất nên gây hiểu sai, còn mục đích là khuyến khích, tuyên truyền, vận động tiêm ngừa vắc-xin cho học sinh để bảo vệ sức khỏe.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Hồng Phúc – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Long An khẳng định: Hiện, chưa có quy định nào bắt buộc học sinh chưa tiêm vắc-xin thì không được đi học. Do đó, đến thời điểm đi học trở lại những em chưa tiêm vắc-xin vẫn đi học bình thường.
Chuẩn bị cho việc học sinh đi học trở lại (từ ngày 13/12), ngày 3/12, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản hướng dẫn chuyên môn về việc đi học trực tiếp của học sinh bậc THCS và THPT trên địa bàn. Theo đó, học sinh chỉ học trực tiếp từ 12 – 30 tiết/tuần tùy theo vùng dịch. Trong đó, trường học ở địa bàn cấp độ 1: Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần; thời lượng dạy học còn lại (ngoài 30 tiết trực tiếp) của kế hoạch giáo dục nhà trường, các trường sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Trường học ở địa bàn cấp độ 2: Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần; thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên Internet. Với học sinh khối 6, 9 và khối 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần…
Ngoài ra, văn bản của Sở GD&ĐT TPHCM thể hiện, học sinh còn đang ở tỉnh chưa về được thành phố, các học sinh đang trong khu vực cách ly, phong tỏa, đang phải cách ly vì nhiễm bệnh, các học sinh có bệnh lý nền (có xác nhận của bác sĩ) tạm thời chưa tham gia học tập trực tiếp. Những học sinh này được nhà trường tổ chức hướng dẫn dạy học qua Internet, truyền hình và các phương tiện khác. Dự kiến, đợt kiểm tra cuối học kỳ I của học sinh tại TPHCM sẽ diễn ra từ ngày 10 – 22/1/2022.
Tại chương trình “Dân hỏi thành phố trả lời” trước đó, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay ngành Giáo dục đã tính toán phương án những học sinh trong độ tuổi tiêm nhưng không tiêm được vì nhiều lý do. Ngành Giáo dục xem tất cả học sinh đều có quyền lợi đến trường bình thường như các bạn khác. Thầy cô giáo phải xem những học sinh này là đối tượng quan tâm đặc biệt, ngoài hỗ trợ học tập phải chú ý đến quá trình sinh hoạt tại nhà trường để an toàn nhất. Những học sinh này thuộc nhóm dễ tổn thương nên ngành sẽ có phương án, các trường cần quan tâm hơn.